Từ ngày TP.HCM trở về cuộc sống bình thường mới, nhiều người dân đã mau chóng lên phương án chuyển nhà vì nhiều lý do.
Ngày 1/10, ngay khi TP.HCM vừa nới lỏng nhiều biện pháp giãn cách, Trần Mai Hương đã lên nhóm mạng xã hội của cư dân nơi mình đang ở để đăng thông tin thanh lý đồ dùng.
Sau gần một năm làm việc tại TP.HCM, Hương đã có kế hoạch trở về Hà Nội từ khá lâu. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát bất ngờ, cô gái phải ở lại một mình tại chung cư Vinhomes Central Park (phường 22, quận Bình Thạnh).
"Tôi nhượng lại đồ dùng cho cư dân cùng chung cư để thuận tiện vận chuyển. Tôi bán đồ đi nhưng vẫn ở lại đây cho đến khi mua được vé máy bay về Hà Nội, tôi đã nhờ đại lý quen biết săn vé cho mình", Hương chia sẻ cùng Zing.
Tìm cách chuyển đồ
Hương cho biết khi vào TP.HCM làm việc, cô xác định không ở lại lâu dài nên chỉ mua sắm một số vật dụng đơn giản để trang bị cho cuộc sống. Giờ đây khi chuyển đi, việc thanh lý do vậy cũng khá dễ dàng.
Hương thanh lý một số đồ dùng còn khá mới trong căn hộ mình thuê.
"Trước khi bàn giao đồ đạc sang cho chủ mới, tôi phải làm giấy chuyển đồ có xác nhận của chủ căn hộ nơi mình đang thuê. Tôi cũng đã thông báo về việc chuyển đi cho chủ nhà để họ tìm người vào ở thay thế", Hương nói.
Khác với Hương, An Nhiên (sinh năm 1987) lại có rất nhiều đồ dùng cần mang theo khi chuyển từ chung cư Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) sang căn hộ mới.
Cô khá bối rối bởi không biết có thể thuê xe tải chở đồ hay không, tài xế cần những giấy tờ hoặc yêu cầu cụ thể ra sao để vào khuôn viên căn hộ.
"Tôi đang chuẩn bị hỏi ban quản lý về những điều này, đoán rằng cần có giấy chuyển đồ được chủ nhà xác nhận. Ở chung cư, chuyển đồ đến thì dễ nhưng chuyển đi lại không đơn giản, nhất là khi tôi mang theo rất nhiều đồ, bao gồm cả chiếc đàn piano đồ sộ", Nhiên cho hay.
Nhiên cũng chia sẻ cô đã hết hợp đồng thuê nhà từ tháng 6, tuy nhiên không thể chuyển đi do dịch bệnh. Gần 4 tháng qua, cô về nhà ba mẹ ở nhưng toàn bộ đồ đạc vẫn để lại căn hộ, chưa thể mang đi. Đó cũng là quãng thời gian cô vẫn phải đóng tiền thuê đều đặn cho chủ nhà dù không ở.
"Khi dịch bùng phát đột ngột, tôi không kịp chuyển đồ đi. Tôi cũng nghĩ mình sắp trả nhà rồi nên không thương lượng lại giá thuê trong dịch với chủ nữa, vẫn gửi số tiền như cũ", Nhiên nói.
Ngày thành phố bước vào trạng thái bình thường mới, Nhiên đã lập tức lên phương án dọn nhà sang một khu chung cư ở phường An Phú lân cận. Cô phải chuyển đi trước ngày 15/10 và đến giờ vẫn khá chật vật tìm cách đóng gói, vận chuyển đồ.
chuyen nha sau dich anh 2
Căn hộ thuê tại Masteri Thảo Điền được Nhiên trang trí theo sở thích.
Người dễ dàng, người lại khó khăn
Ngày 2/10, chỉ một ngày sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, T.L. (sinh năm 1988) đã kịp đi xem và thuê một căn hộ mới.
Vợ chồng cô mua nhà tại Masteri Thảo Điền nhưng có dự định sinh em bé và cần không gian rộng rãi hơn, do vậy đã tìm thuê một nơi ở mới tại chung cư Estella ngay đối diện.
"Vợ chồng tôi may mắn đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên việc đi xem nhà khá dễ dàng. Dù chuyển gần, tôi vẫn thuê
dịch vụ chuyển nhà trọn gói để tiết kiệm công sức. Chúng tôi dự định sang tuần tới sẽ bắt đầu dọn đồ sang", T.L. chia sẻ.
Theo T.L., việc chuyển đi từ Masteri Thảo Điền không khó khăn bởi cô là chủ nhà, chỉ cần ký giấy xác nhận.
Còn tại Estella, gia đình cô cần giấy tờ do chủ nhà ký, đồng thời làm việc với lễ tân để được chuyển đồ trong. Nhà cô chỉ bố trí 2-3 thành viên cùng chuyển đồ cùng lúc nhằm đảm bảo không tập trung đông người.
chuyen nha sau dich anh 3
Cư dân chuyển đi khỏi chung cư La Astoria (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) sắp xếp đồ tại hầm gửi xe ngày 2/10.
Trong khi đó, ngày 2/10, Đinh Thanh Thư (sinh năm 1994) lại có trải nghiệm không hề dễ dàng khi chuyển nhà sau dịch.
Thư cho biết mình đã thông báo trả phòng trọ từ tháng 7 và sang nhà anh chị để ở. Tuy nhiên, đồ dùng của cô vẫn phải để lại phòng trọ và chưa thể mang theo.
Ngày 30/9 (thứ 5), khi các chốt kiểm dịch tại TP.HCM bắt đầu được dỡ bỏ, đó cũng là ngày Thư nhận tin báo phải chuyển đồ ra khỏi phòng trọ trước cuối tuần.
"Tôi không hề muốn phải chuyển đồ gấp gáp như vậy, nhưng chủ nhà yêu cầu, cực chẳng đã mới đành làm theo. Tôi chỉ có một buổi để đến thu gom, gửi hoặc tặng bớt đồ của mình đi các nơi khác. Đặc biệt, chiếc xe máy của tôi bị bám bụi, cạn xăng và không thể nổ máy sau 2 tháng rưỡi không sử dụng. Tôi vừa vận chuyển đồ gấp gáp, vừa lo lắng việc phải mang xe đi sửa", Thư nói.
chuyen nha sau dich anh 4
Thư gặp cơn mưa lớn trên đường chuyển đồ khỏi phòng trọ.
Thư cho biết cô được anh chị giúp chở đồ bằng ôtô, cả xe máy, xe đạp đều được chất lên xe, di chuyển từ nơi trọ về nhà khá thuận tiện. Tuy nhiên, sự cố xảy đến khi trời bất ngờ đổ mưa lớn, cả gia đình Thư vừa bê vác đồ, vừa phải thay nhau che dù rất vất vả.
"Chúng tôi phải mất hơn một tiếng để chạy lên, chạy xuống cầu thang, bê các túi đồ chuyển vào xe, sau đó mất thêm nhiều tiếng nữa để đi gửi đồ. Về đến nhà, anh tôi giúp sửa xe máy, còn tôi mang xe đạp đi bơm hơi. Cảm giác mặc áo mưa, dắt bộ xe đạp đi sửa rất tệ", Thư kể lại.
chuyen nha sau dich anh 5chuyen nha sau dich anh 6
Thư phải chuyển xe máy, xe đạp cùng nhiều túi đồ từ phòng trọ về nhà anh chị.
Chiều cùng ngày, với sự giúp đỡ của gia đình, Thư đã hoàn thành việc chuyển đồ và kịp chạy đến trung tâm y tế phường tiêm mũi vaccine thứ 2. Cô gái cho biết sẽ ở lại nhà của anh chị cho đến cuối năm chờ tình hình dịch bệnh ổn định. Và lý do lớn nhất, cô đã rất sợ cảnh chuyển nhà.